Lăng mộ Hán Văn Đế

Hán Văn đế được chônBá Lăng (霸陵). Khi sắp mất, ông ra chỉ thị rằng vật tuỳ táng chỉ gồm có đồ gốm, trong mộ không trang trí hào hoa, trên lăng không đắp nấm đất cao để tiết kiệm, bớt sức dân. Khi lâm chung, Văn đế còn nhắc lại trong di chiếu ý định chôn cất đơn giản, giảm bớt việc táng tế, giảm bớt cảnh quan núi sông vốn có ở Bá Lăng dành cho ông.

Có giai thoại cho rằng, người đời sau đã đào được nhiều vàng bạc châu báu trong Bá Lăng và kết luận rằng: di chiếu của Văn đế chỉ là tuyên truyền chính trị giả dối. Nhưng các nhà sử học Trung Quốc cho rằng: có 2 nguyên nhân khác khiến Bá Lăng nhiều châu báu:

  1. Thứ nhất, có thể Hán Cảnh đế không hoàn toàn làm theo lời vua cha, đã chôn cất nhiều của cải xuống đó.
  2. Thứ hai, vợ ông là Hiếu Văn Đậu Hoàng hậu - mẹ Hán Cảnh Đế, bà nội Hán Vũ Đế - mất vào thời Hán Vũ đế và được nhập táng với Văn Đế ở Bá Lăng. Hán Vũ đế đã làm nghi lễ long trọng cho bà nội và chôn xuống nhiều của quý, vì vậy Bá Lăng vẫn chứa nhiều đồ châu báu[13].